Một bộ phim tài liệu lịch sử xuất sắc về chiến Tranh Việt Nam. Với sự tham gia phỏng vấn của nhà văn Bảo Ninh, nhà báo Huy Đức. Điều làm nên bộ phim chính là tính chân thực và nhìn nhận đa chiều ở tất cả các bên tham gia vào cuộc chiến. Khác với “cuộc chiến 10k ngày”, bộ phim tài liệu trước đó “tránh” nói nhiều đến nội bộ việt nam cũng như quan hệ với Pháp. Ở seri phim này, ta có một cái nhìn rộng hơn, trung lập hơn.
Tập 1 với tên Deja vu (bóng ma quá khứ) được xây dựng với hai mốc thời gian đan xen, như sự ẩn dụ đoán trước được sự thất bại của người Mỹ cũng sẽ giống những gì đã diễn ra ở Pháp. Deja vu, là hiện tượng tâm lý về ảo giác một trải nghiệm tưởng như bản thân từng trải qua ở một môi trường và hoàn cảnh hoàn toàn khác được nhà biên kịch khéo léo đặt cho tượng đề của tập 1: nước Mỹ chưa từng trải qua chiến tranh với Việt Nam, nhưng sau mấy chục năm nhìn lại, họ đáng ra đã “cảm nhận” được kết cục đó.
Ngoài những thước phim đáng giá và những nhận định chi tiết cả hai phía, điều làm tôi cực kì ấn tượng là âm nhạc. Không chỉ thể hiện nội dung truyền tải, âm nhạc trong phim mang đến hơi thở văn hóa và xã hội những năm đó. Tôi rất thích các bản của Bob Dylan vầ Rosemary Clooney. Làm tôi nhớ đến cái đài radio quen thuộc của Fallout trong một “alternative history”.
Điều có tôi thích nhất chính là những diễn biến leo thang về chính trị và phản ứng của hai bên trong bối cảnh thế giới. Thêm vào đó, có những diễn biến chưa bao giờ được hai bên kể trước đó, ít nhất là theo trí nhớ của tôi. Đó là câu chuyện bức thư chưa bao giờ được gửi đến Tổng Thống Truman của Cụ Hồ. Đó là những động thái chính trị cực đoan của cả hai phía. Tôi thích nhất là giai đoạn ông Diệm thành lập chính quyền, Lê Duẩn thành Bí Thư Thứ Nhất và sự phức tạp về chính trị trên thế giới. Cảm giác bạn được xem Game Of Thrones phiên bản lịch sử vậy.
Những hình ảnh thì khỏi phải nói, giàu tính lịch sử và biểu tượng. Tôi phải thốt lên vậy khi xem những bức hình đầy ám ảnh.
Tập 1 đầy hấp dẫn, từ biên kịch phim, lối dẫn chuyện, hình ảnh và âm thanh.