Mưa Vẫn Hay Mưa
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận một cơn mưa Sài Gòn khiến tôi nhớ nhà da diết đến vậy. Khác ở quê, mưa ở Sài Gòn thật khó chịu, chợt đến, chợt đi, chả ai hay. Những cơn mưa vội vàng như nhịp sống ở đây vậy.
Mùa này ở quê nhà, hẳn mưa mùa hè đang đến. Những lúc ngồi trong quán cafe quen thuộc nhìn những hàng xe đan nhau trên con đường Nguyễn Văn Cừ, chợt trong tôi hiện về thằng nhóc năm xưa rúc dưới tấm chăn nằm nghe tiếng mưa gõ nhịp trên mái tôn, những cơn mưa dài không dứt, một thời vô tư lự, một thời vô ưu.
Những lúc ấy, mây đen kéo từ phía xa, mọi người lo kéo những tấm bạt những thóc, những ớt và đậu vô nhà. Tụi con nít lớn tuổi (là con nít và lớn hơn tôi), chạy ra ngoài sân của nhà thờ Công Giáo đá bóng. Một hai đứa nhóc thích thú thấy trời nổi gió lại xách diều ra thả trong nổ lực thể hiện khả năng của mình. Ngoài việc khiến cho diều quay mòng mòng và không thể lên cao nổi cột điện thì việc chay quanh cả xóm như vậy khiến người lớn nhìn ngao ngán. Những lúc đó, tôi không được ra ngoài vì sắp mưa, chút lại hơi đất xông lên. Đám thanh niên thì bất chấp rồi, tôi lại không thể để hơi đất xông vô người, thể nào tối cũng bị nhức đầu.
Lúc nhỏ, hễ thấy có mây đen là tôi mặc định có mưa. Ba tôi khác, ông có thể biết chính xác chiều đó có mưa không. Tôi còn nhớ những lần nhà đi chơi, ba tôi dự thế nào thì trúng chóc vậy. Vô Sài Gòn, tôi nghĩ siêu năng lực dự đoán của đó không áp dụng được ở đây.
Mưa rào ở quê kéo dài suốt cả buổi chiều. Đợi đến khi mưa to hẳn, tôi mới lon ton chạy ra ngoài chơi. Ngày xưa có chơi cút bắt, đá bóng, chạy ra bờ sông rượt nhau. Thi thoảng có mấy đứa bắt chước các bậc cao thủ võ lâm ngồi ngay dưới máng nước, tưởng tượng mình đang ngồi dưới dòng thác bế quan luyện công. Có cái máng nước ở gần nhà ông Bốn bán sách là cao nhất, đứng dưới đó hứng những dòng nước nặng đến nỗi ong ong cả đầu. Mấy thằng đực rất thích chơi trò này lấy le với con gái trong xóm.
Ngay chỗ ngả ba là vùng thấp, mưa một chút là ngập ngay. Có những lúc mưa lớn ngập ngang bụng tụi con nít chúng tôi, cả đám lại háo hức như là lụt đã đến, lặn hụp bơi lội thích thú. Nghĩ lại, tôi biết vì sao lúc nhỏ mình lại nổi ghẻ vậy.
Trời tạnh mưa và trong xanh lạ. Tôi nhớ đâu đó trong những cuốn văn nào đã đọc, trời sau mưa đẹp lắm, lúc đó tôi cũng thấy đẹp, nhưng chả biết tả sao.
Bây giờ cũng vậy, chả biết tả sao. Như là tinh khôi đến thăm một xóm nhỏ. Mọi thứ xung quanh trở nên sáng hơn, tươi hơn và đẹp hơn. Tôi cùng những đứa trong xóm lấy giấy ra gấp thuyền nan thả. Một lúc sau ngồi xổm mò theo con thuyền trôi.
Những kỉ ức cứ trôi về, nhưng dòng nước ngày nào còn chảy. Trong kí ức nào, con thuyền trôi không điểm dừng.
Giờ xa vắng thuyền em bước trên con đường Giờ xa vắng thuyền trôi mình em trên phố vắng
Tối đến là “đại chiến giữa những vì sao” giữa tụi thanh niên trong xóm, tụi nít trong xóm, tụi thanh niên khác xóm, tụi nít khác xóm. Quy mô lớn nhỏ phụ thuộc vào nhà nào sáng đèn nhất, tôi háo hức muốn bắt những con dế. Thường mỗi “team” con nít chỉ có khoảng 2, 3 đứa. Đến hạ màn bao giờ cũng chả còn mống nào, vì thế náo chỉ vì một con dế mà chia rẻ nội bộ. Đám thanh niên bắt dế để nhậu. Còn tụi nít thì đứa đem về nuôi, đứa đem về chiên mắm ớt, đứa cột lại quay mòn mòn rồi đem đá với nhau.
Thời gian trôi nhanh quá, giờ ngồi nhớ lại tôi không thể nào nhớ được chính xác mùa vị thế nào. Nhưng cái không khí của những đêm hè ấy, lại vang vọng khắp nơi.
Có người con gái đã hỏi tôi, vì sao đất miền Trung khó sống vậy. Nhưng người ở đây vẫn bám đất, bám lấy cái eo của đất nước đầy biến động. Ở đó, trong từng thớ đất, mang hồn quê.
Những đứa con tha hương luôn đau đáu ngày trở về.