Good Will Hunting và những bài toán đồ thị
Lâu lắm rồi tôi mới được xem một bộ phim hay đến vậy, có lẽ từ khi xem La La Land, đó là những bộ phim buộc bạn phải ngẩn ngơ một lồi lâu và không ngừng suy nghĩ về nhân vật và những lời thoại. Không có những kĩ xảo tráng lệ hay cốt truyện hại não, bộ phim đơn giản chỉ là câu chuyện của một thanh niên với bộ óc thiên tài trải nghiệm những thay đổi trong cuộc đời. Điều hại não nhất chăng chính là những bài toán được đề cập trong bộ phim, một phần làm tôi rất thích thú.
Có lẽ nhiều người sẽ quan tâm nhiều hơn về những biến đổi của nhân vật Will, còn với tôi, tôi lại thích hình tượng hai giáo sư Sean và Lambeau. Cả hai là sự nhân cách hóa lựa chọn của Will. Khi cả hai giáo sư nói chuyện với nhau, mà đa phần cãi nhau vì bất đồng quan điểm, những gì thảo luận cho thấy họ từng là những gã thiên tài với đam mê toán học, nhưng Lambeau trở thành một “mathematical god” - với giải Field danh giá, còn Sean thì chọn một hướng đi hoàn toàn khác. Cả hai đều dù trái ngược nhau nhưng lại là phần bù của nhau. Hình ảnh hai người, và cả Will khiến tôi ám ảnh. Một phần trong con người tôi giống Lambeau: Lambeau ám ảnh bởi sự thành công, ám ảnh bởi Field danh giá, ám ảnh bởi vinh quang trong nghiên cứu. Tôi từng, và có lẽ cũng đang có những suy nghĩ tương tự, nỗi ám ảnh phải làm mọi thứ để trở thành “expert” trong lĩnh vực mình làm và lúc nào cũng ép bản thân tới hạn của công việc, như cách mà Lambeau nói về chính mình:
I am what I am today because I was pushed and because I learned to push myself
Nhưng ấn tượng hơn cả là Sean, Sean đã đưa tôi một bài học khi nói: “There’s more to life than a fuckin’ Field’s medal.” Chính Lambeau thừa nhận Sean thông minh hơn ông, chính Lambeau cũng thừa nhận Sean từng có thể có Field, nhưng ông đã không làm, ông đã không hối hận về quyết định của mình.
Bộ phim có rất nhiều đoạn hội thoại rất ý nghĩa, nhưng có lẽ đoạn hay nhất là khi Sean nói chuyện với Will, về sự khác nhau giữa kiến thức và sự thông thái: bạn có thể có được kiến thức bằng cách đọc rất nhiều sách và sở hữu một bộ óc của thiên tài; nhưng bạn không có được sự thông thái nếu không thực sự cảm nhận.
Điều đặc biệt ấn tượng với tôi là khi Sean liên tục hỏi Will: “What do you wanna do?” được lặp đi lặp lại, như sự ẩn dụ của bộ phim dành cho người xem, đó chính là câu hỏi dành cho người xem. Đoạn cãi nhau của Sean và Lambeau và chính câu hỏi : “What do you wanna do?” khiến tôi luôn bần thần sau bộ phim, rốt cuộc, điều gì là điều tôi thực sự muốn làm?
Mỗi phân cảnh trong phim có lẽ là một câu chuyện đầy ý nghĩa về cuộc sống. Và những đoạn hội thoại ấy sẽ còn lưu lại trong tâm trí người xem thời gian dài.
Một bộ phim quá hay, và thật không ngờ là Matt Demon và Ben Affleck viết kịch bản xuất sắc đến vậy, đồng thời diễn xuất của các diễn viên hết sức thuyết phục. Từ bối cảnh, kịch bản, biên kịch, tất cả tạo nên một bộ phim giàu tính nghệ thuật và ý nghĩa, đó cũng chính là lí do mà bộ phim có 9 đề cừ Oscar và giành được tượng vàng cho hạng mục Nam Diễn Viên Phụ Xuất Sắc (Robin William) và Kịch Bản Gốc Hay Nhất (Matt và Ben).
Về những câu hỏi toán trong bộ phim, điều thú vị là Lambeau đạt giải Field trong toán tổ hợp, và đó là lí do mà mấy câu hỏi thách thức để tìm ra thiên tài toán học mới đều liên quan đến mảng này. Các câu hỏi khá hay về đồ thị: từ ma trận cạnh kề và tính chất của nó, từ hàm sinh đến phương pháp đếm đến bài toán tô màu đồ thị. Câu chuyện về các nhà toán học được đề cập trong phim cũng rất thú vị: Ranamujan (có lẽ cuộc đời và trí tuệ của ông thú vị đến nỗi tôi thường xuyên thấy bóng dáng của ông trong các lĩnh vực mình tìm hiểu: trong Hỗn Độn và Hài Hòa của gs. Trịnh Xuân Thuận, trong Volume 1 của The art of computer programming đến bộ phim The Man Who Knew Infinity trên chuyến bay đi Hawaii), Ted Kaczynki: một giáo sư toán học Berkeley, đồng thời cũng là một tên khủng bố. Có lẽ cần đến một post hàng toàn khác để có thể nói về lịch sử thú vị của những bài toán trong phim này.